SINH HOẠT CHUYÊN MÔN THEO HƯỚNG NGHIÊN CỨU BÀI HỌC
SINH HOẠT CHUYÊN MÔN THEO HƯỚNG NGHIÊN CỨU BÀI HỌC
Với mục tiêu nâng cao chất lượng sinh chuyên môn, tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, đẩy mạnh sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy, chiều ngày 22 tháng 10 năm 2024 trường Trung học cơ sở Vĩnh Khúc đã tổ chức thành công buổi sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học phân môn Nghệ thuật 1 (Âm nhạc) cấp cụm với sự tham dự của các thầy cô giáo dạy Nghệ thuật 1 (Âm nhạc) của 12 trường trong toàn huyện Văn Giang cùng Ban giám hiệu trường THCS Vĩnh Khúc.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là hoạt động sinh hoạt chuyên môn mà ở đó giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến việc học sinh học như thế nào, gặp khó khăn gì, kết qủa học tập cải thiện như thế nào, các em có hứng thú tham gia và quá trình học tập và giáo viên cần điều chỉnh về hình thức tổ chức, tương tác các đối tượng trong dạy học như thế nào để đạt mục tiêu. SHCM dựa trên NCBH là tạo cơ hội cho mỗi cá nhân nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, phát huy khả năng sáng tạo trong dạy học thông qua hoạt động dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ dạy minh họa; rèn luyện một số kỹ năng cho giáo viên.
Với chủ đề sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hưng, một giáo viên có thâm niên nhiều năm trong việc dạy học môn Âm nhạc cùng nghiệp vụ phòng đã xây dựng kế hoạch bài dạy “ Công ơn thầy cô”. Sau khi thống nhất kế hoạch bài dạy, chiều ngày 22 tháng 10 năm 2024 thầy Nguyễn Ngọc Hưng đã tiến hành dạy minh họa với sự tham gia dự giờ của BGH nhà trường, các thầy cô giáo dạy Nghệ thuật 1 (Âm nhạc) trong toàn huyện dã về dự
Với việc sử dụng linh hoạt và hợp lý các phương pháp tổ chức các hoạt động học tập, giao nhiệm vụ cho học sinh phù hợp vì thế các em đã rất hứng thú với tiết học và tham gia thảo luận tích cực.
Học sinh đã mạnh dạn, tự tin, biết hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; giáo viên phát hiện những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp, hiệu quả; không có học sinh bị "bỏ quên".
Ngay sau tiết dạy minh họa trên lớp các thành viên trong tổ trao đổi cởi mở, thân thiện, chân tình, có minh chứng cụ thể. Bắt đầu từ việc quan sát được gì ở học sinh (học sinh tham gia học như thế nào, học được cái gì, khó khăn, thuận lợi, tương tác. Những ý kiến đóng góp bổ sung, những bài học kinh nghiệm chân thành, tích cực và chủ động của các thầy cô giáo. Trong đó các ý kiến tập trung thảo luận cách thiết kế và triển khai hoạt động dạy - học, vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực phù hợp và hiệu quả. Những khó khăn, vướng mắc trong dạy học cũng được chia sẻ và phần nào được tháo gỡ. Những ý kiến quý báu ấy có ý nghĩa thiết thực trong việc đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên Nghệ thuật 1 (Âm nhạc) trên toàn huyện.
Qua tiết dạy chuyên đề theo hướng nghiên cứu bài học đã giúp các giáo viên nắm vững hơn về phương pháp cách thức tổ chức dạy học phân môn Nghệ thuật 1 (Âm nhạc)
Nhân dịp này, Ban giám hiệu nhà trường cũng dành thời gian để đánh giá lại thực trạng việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông trong thời gian qua; tư vấn, hỗ trợ việc thực hiện dạy học phân môn Nghệ thuật 1 (Âm nhạc); đồng thời, đề ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình trong thời gian tới.